Người ta thường nói nhiều về phố cổ Hội An, ít ai biết rằng ở Huế cũng có một khu phố cổ, ngày xưa là một thương cảng sầm uất của kinh kỳ. Đó là phố cổ Bao Vinh. Đây là nơi ghe, thuyền trong Nam, ngoài Bắc thường tụ hội lại, là vùng đệm giao thương, buôn bán, cung cấp hàng hóa cho cả vùng đất Thừa Thiên. Vì vậy ca dao xưa mới có câu:
“Bao Vinh cao bợt hẳn bờ
Ghe mành lui tới, mẹ nhờ duyên con”
Phố cổ Bao Vinh còn được gọi là cảng Thanh Hà, cùng với Hội An nó là cửa ngõ ngoại thương lớn nhất Đàng Trong của các chúa Nguyễn. Cảng Thanh Hà ra đời trên phần đất thuộc hai làng cổ Minh Hương (nay là thôn Minh Thanh) và làng Địa Linh, thuộc xã Hương Vinh của huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Đông Bắc, thương cảng này buôn bán thịnh đạt nhất từ giữa thế kỷ 17 cho đến đầu thế kỷ 19.
Chạy dọc theo đường Huỳnh Thúc Kháng, phố cổ Bao Vinh là nơi gặp gỡ của con sông đào Bạch Yến (chạy bọc hậu sau kinh thành Huế) với sông Đông Ba. Trên khúc sông rộng 150m, sâu từ 4-8 m, thuyền bè ngược xuôi neo đậu. Từ khi trở thành một cảng thị trong đất liền, Bao Vinh kể từ đấy mới bớt e dè, vươn mình ra tiếp đón những chuyến thuyền từ Quảng Nam, Bình Định đi ra, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh đi vào, đôi khi còn có cả thuyền của người Hoa sang tận đây buôn bán. Trong ký ức của người dân phố cổ, nơi đây từng buôn bán đủ các mặt hàng từ nông phẩm, thuỷ sản, hải sản, lâm sản đều có đủ, từ lụa là gấm vóc cho đến các sản vật như ngà voi, đường, quế, thuốc nhuộm, đồ sành sứ, mộc mỹ nghệ, … Nhưng từ khi Kinh Thành Huế thất thủ, chiến tranh chia cắt đất nước, phố cổ Bao Vinh mới bị tàn phá và lụi tàn từ đó.
Không sầm uất như xưa, những gì còn xót lại ở phố cổ này vẫn gợi nhớ cho du khách một thời hoàng kim, thịnh vượng. Vì luôn biết gìn giữ nên mảnh đất này luôn được du khách gần xa lui tới mỗi khi có dịp đến Huế. Khi vẫn còn đó những chiếc thuyền chòng chành trên con sóng nhỏ, bến thuyền tấp nập kẻ xuống người lên, những ngôi nhà cổ kính lợp ngói âm dương mọc lên san sát, tựa vào nhau để cùng tồn tại với thời gian. Vẫn còn đó cống Bao Vinh, khu phố Lỡ, bến nước, sân đình rêu phong cổ kính hay những di tích bằng đá c đáo ở đền Bao Vinh. Không chỉ giữ gìn được hiện vật, người dân Bao Vinh cũng giữ gìn được những nét đẹp trong, nếp sống, sinh hoạt truyền thống của mình. Đến với Bao Vinh và du khách có thể tự mình chiêm ngưỡng, khám phá, chỉ sợ du khách không đủ có đủ thời gian, chứ đất cổ Bao Vinh luôn là nguồn cảm hứng vô tận.
Ngày nay du khách thường đến Bao Vinh bằng thuyền du lịch theo sông Đông Ba – con sông đào chạy dọc phía đông kinh thành, rồi đi bộ một quãng ngắn là tới cầu Bao Vinh. Đi thuyền trên sông Hương ngắm con phố Bao Vinh du khách có thể nhận ra nét hao hao giống phố cổ Hội An. Những ngôi nhà mái ngói liệt san sát, thấp lè tè. Con đường nhựa nhỏ chia hai dãy phố song song đối diện nhau. Phố chợ bây giờ nhộn nhịp và bề ngoài hiện đại hơn. Hiện tại Bao Vinh vẫn nổi tiếng về nhạc lễ, nhạc đình, những phường thợ mộc, thợ khảm, thợ nón, đóng hòm, làm hương, làm ngói (xóm Ngõa Tượng Địa Linh) hay nghề làm bột (La Khê), … Sự gắn bó chặt chẽ của thị trấn với xứ Huế, khiến cho Bao Vinh đã trở thành một phần của tâm hồn Huế. Dù chỉ còn lại ít ỏi những di tích, nhưng Bao Vinh vẫn còn lại bóng dáng thời xưa, vẫn còn cái không gian sinh tồn hấp dẫn, cảnh trên nước dưới thuyền, trẻ em nô đùa và hong nắng. Khi đến đây du khách có thể kết hợp thăm làng “hoa giấy” Thanh Tiên và làng Sình chuyên nghề vẽ tranh thờ cúng, nằm phía sau khu phố cổ, đây hai làng nghề truyền thống nổi tiếng bật nhất của xứ Huế.
Trong những nhiếp ảnh gia chụp ảnh về phố cổ Bao Vinh, tôi vẫn thích nhất ảnh của Đào Hoa Nữ. Trong ảnh của bà có cái vương vấn của không gian lãng đãng đầy mê hoặc khi nắng chiều phủ vàng trên khu phố. Chẳng biết bà chụp ở góc nào mà mặt sông như chiếc gương soi ôm gọn bóng hình phố cổ Bao Vinh? Tôi không nghĩ bà đứng ở trên thuyền chụp, bởi chẳng có lấy một gợn nước, hay một con sóng nhỏ nào trên bức ảnh ấy, tôi cứ tin là bà treo lơ lững để chụp, san sát với mặt nước, nín thở và bấm máy. Tôi cứ tin sự lơ lững ấy, như tin những điều huyền ảo, lung linh mỗi khi có dịp ghé về Bao Vinh, mỗi lần nhìn ngắm là có mỗi xúc cảm khác nhau lại dâng trào.