THƯƠNG MẠI – DỊCH VỤ

Cấp chứng nhận xuất xứ điện tử - Ngày 30 tháng 7 năm 2007, Bộ trưởng Bộ Thương mại đã ban hành Quyết định số 18/2007/QĐ-BTM về việc ban hành Quy chế cấp chứng nhận xuất xứ điện tử.

Theo đó, thương nhân được cấp chứng nhận xuất xứ điện tử phải đáp ứng điều kiện về năng lực sau: là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín do Bộ Thương mại xét chọn; là doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, giày dép, có kim ngạch xuất khẩu bình quân trong 3 năm gần đây đạt trên 30 triệu USD/năm; được các hiệp hội ngành hàng giới thiệu và bảo lãnh…

Hồ sơ đăng ký bao gồm: Đơn đăng ký tham gia eCoSys có chữ ký của người có thẩm quyền; Danh sách các đơn vị, cán bộ được uỷ quyền ký hồ sơ đề nghị cấp C/O; Thẻ CA theo tiêu chuẩn. Mỗi thẻ chỉ cấp cho 01 đơn vị, cán bộ của thương nhân…

Thương nhân có hành vi vi phạm trong quá trình nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O điện tử như giả mạo chữ ký, giả mạo chứng từ, khai không đúng thực tế và các hành vi vi phạm khác có thể bị xử lý theo các hình thức sau: Không được cấp C/O điện tử trong thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm kể từ thời điểm Tổ chức cấp C/O phát hiện vi phạm của thương nhân; Thông báo công khai tên thương nhân và hành vi vi phạm trên eCoSys, ECVN và các phương tiện thông tin đại chúng khác; Bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật về thương mại, giao dịch điện tử, công nghệ thông tin và các quy định pháp luật liên quan khác.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Đầu tư dầu khí- Ngày 25 tháng 7 năm 2007 , Chính phủ đã ban hành Nghị định số 121/2007/NĐ-CP quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong hoạt ng dầu khí.

Theo đó, Thủ tướng chấp thuận đầu tư với các dự án dầu khí sử dụng vốn Nhà nước từ 1.000 tỷ đồng trở lên hoặc vốn của các thành phần kinh tế từ 3.000 tỷ đồng trở lên. Các dự án dầu khí không thuộc quy định trên do đại diện chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư quyết định.

Việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án dầu khí được thực hiện theo một trong hai quy trình sau: Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng; Thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án có quy mô vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư. Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thẩm tra dự án dầu khí và cấp Giấy chứng nhận đầu tư…

Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong thời hạn 12 tháng mà dự án dầu khí không được nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận, hoặc trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày dự án dầu khí được nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận mà dự án không được triển khai thì nhà đầu tư phải có văn bản nêu rõ lý do và đề nghị kéo dài thời hạn triển khai hoặc đề nghị chấm dứt dự án dầu khí gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngoài ra, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận về Việt Nam trừ các khoản lợi nhuận được giữ lại để tái đầu tư hoặc đầu tư cho các dự án dầu khí khác. Trường hợp có nhu cầu kéo dài thời hạn trên, nhà đầu tư phải có văn bản nêu rõ lý do, trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, quyết định. Việc gia hạn được thực hiện không quá 02 lần, mỗi lần không quá 06 tháng…

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.